Các hoạt động kinh tế - xã hội trên khắp thế giới nói chung và bóng đá nói riêng đang gặp phải khó khăn không hề nhỏ. Mọi CLB - dù lớn hay nhỏ - đều bị ảnh hưởng về mặt tài chính theo hướng tiêu cực. Bởi vậy, kỳ chuyển nhượng sau mùa giải 2019/20 hứa hẹn có nhiều khác biệt so với những ‘phiên chợ’ trước đây.

1. Không có nhiều ‘bom tấn’

Thời gian qua, giới mộ điệu vẫn tiếp nhận những thông tin/tin đồn đại loại như: Barcelona chi 150 triệu euro chiêu mộ Neymar Jr, Real Madrid gom hơn 200 triệu euro ‘rước’ Kylian Mbappe hay MU bỏ ra 200 triệu bảng vì Harry Kane… Nhưng những thương vụ dạng ‘bom tấn’ hoặc ‘siêu bom tấn’ nói trên khó xảy ra khi thị trường chuyển nhượng mở cửa trở lại.

Những xu hướng của kỳ chuyển nhượng sau mùa giải 2019/20

Barcelona khó có thể chi 150 triệu euro để tái chiêu mộ Neymar Jr

Đơn giản, việc bóng ngừng lăn trong một thời gian dài khiến doanh thu của các CLB đều giảm. Ngay cả những CLB lớn như Real Madrid, Barcelona, Juventus, Bayern Munich, PSG… cũng phải thuyết phục các cầu thủ và Ban huấn luyện đội một giảm lương. Họ dù muốn tăng cường lực lượng nhưng gần như không thể chi số tiền lên tới 9 con số cho một cầu thủ.

2. Tăng số thương vụ cho mượn, trao đổi

Việc các CLB gặp khó khăn về tài chính khiến số lượng các thương vụ theo kiểu cho mượn hoặc trao đổi tăng vọt. Quy định mỗi CLB không được cho mượn quá 8 cầu thủ của đội một của FIFA nhiều khả năng chưa được thực thi, ít nhất là ở kỳ chuyển nhượng sau mùa 2019/20.

Những thông tin như Barcelona muốn đổi Arthur Melo lấy Miralem Pjanic, MU tiếp tục cho mượn Alexis Sanchez… đã minh chứng cho xu hướng trên.

3. Cầu thủ tự do thất thế

Một cầu thủ tự do (hết hợp đồng với CLB gần nhất mình đầu quân) thường chiếm ưu thế trong các cuộc thương thảo. Đơn giản, các CLB muốn chiêu mộ cầu thủ đó thường không mất phí chuyển nhượng nên sẽ dùng mức lương cao để thuyết phục. Có những cầu thủ sẵn sàng từ chối gia hạn hợp đồng với CLB chủ quản để được tự do rời CLB ấy khi thị trường chuyển nhượng mở cửa.

Nhưng ở kỳ chuyển nhượng tới đây, các cầu thủ tự do (ngoại trừ những ngôi sao) không hẳn sẽ chiếm ưu thế trên bàn đàm phán. Khó khăn về tài chính khiến các CLB khó có thể chi ra mức lương + phí lót tay khổng lồ. Nếu không chấp nhận giảm các đòi hỏi của mình, một cầu thủ tự do thậm chí đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh thất nghiệp.

4. Cầu thủ trở về với giá trị thật

Kể từ khi Roman Abramovich mua lại Chelsea (2003) và đặc biệt là Neymar Jr gia nhập PSG (2017), mức phí chuyển nhượng của cầu thủ gia tăng đột biến. Những cầu thủ chỉ thuộc dạng tiềm năng như Ousmane Dembele, Joao Felix… cũng có mức phí lên tới hơn 100 triệu euro.

Những xu hướng của kỳ chuyển nhượng sau mùa giải 2019/20

Jadon Sancho là một trong những 'hàng hot' của kỳ chuyển nhượng sau mùa 2019/20

Khó khăn về mặt tài chính buộc các CLB phải chi tiêu một cách hợp lý. Do đó, mức phí chuyển nhượng của các cầu thủ sẽ có xu hướng trở về với giá trị vốn có mà cầu thủ đó sở hữu.

5. Thị trường kém nhộn nhịp

Giải Ngoại hạng Anh liên tục vượt qua mức chi hơn 1 tỷ bảng trong vài kỳ chuyển nhượng Hè vừa qua. La Liga, Serie A - hai giải đấu thua thua kém về mặt tài chính - cũng cán chinh phục hoặc tiệm cận mốc 1 tỷ bảng. Thị trường chuyển nhượng sau một mùa giải vì thế thường nhộn nhịp.

Việc các CLB đều giảm doanh thu khiến số ‘phiên giao dịch’ giảm đáng kể trong kỳ chuyển nhượng tới đây. Có thể thị trường chuyển nhượng vẫn sôi nổi, nhưng theo một cách khác, thậm chí rất khác.