Khi lịch sử không ủng hộ

Bóng đá không phải là môn thể thao 'vua' ở Philippines, khi mà các cậu bé nơi đây ưa thích việc vác gậy ra sân chơi bóng chày, hay đập bóng chuyền hơn. Hệ quả là nền bóng đá Philippines phát triển tương đối chậm so với những quốc gia cùng khu vực, dù nền kinh tế quốc gia này thuộc hạng phát triển tại Đông Nam Á.

Khởi phát từ chiến tích thắng ĐT Việt Nam 2-0 ngay trên sân Mỹ Đình tại AFF Suzuki Cup 2010, bóng đá Philippines mới có cú hích để vươn tầm. Trong 5 kỳ AFF Cup gần đây, có tới 4 lần ĐT Philippines lọt vào vòng bán kết. Với chính sách khuyến khích các Phi kiều trở về cống hiến cho Tổ quốc, ĐTQG nước này đã phát huy tốt nguồn lực của mình.

 

Tuy vậy, việc thiếu vắng những chương trình đào tạo bóng đá học đường bài bản là một phần nguyên nhân khiến Philippines vẫn phải lệ thuộc vào các cầu thủ nhập tịch. Hệ quả là tại sân chơi SEA Games, các lứa U23 Philippines thường chỉ tham dự cho... vui, khi mới giành được duy nhất 1 tấm huy chương đồng bóng đá nam tại các kỳ đại hội.

Thành tích bóng đá Philippines tại SEA Games: HCĐ (1)

Thành tích bóng đá Philippines tại AFF Cup/Tiger Cup: Hạng 4 (4 lần)

U22+2 và cỏ nhân tạo là công thức thành công?

Theo lẽ thường, các đội chủ nhà bóng đá SEA Games toàn quyền quyết định sân đấu, lịch thi đấu và gần như cả bảng đấu. Với việc đăng cai SEA Games 30, U22 Philippines đã chủ động tự chọn cho mình bảng đấu dễ thở hơn cả, khi gặp các đối thủ Malaysia, Myanmar, Campuchia và Timor Leste.

Ngoài việc tránh được 2 ứng viên hàng đầu U22 Việt Nam, U22 Thái Lan, chủ nhà Philippines còn hưởng lợi nhờ thi đấu ít trận hơn tại bảng A. Thêm vào đó, đoàn quân HLV Scott Cooper chủ định sắp xếp tất cả các trận đấu ở bộ môn bóng đá nam SEA Games 30 đá tại mặt cỏ nhân tạo. Đây là thiệt thòi không nhỏ với các đội bóng có lối chơi kỹ thuật như U22 Việt Nam hay U22 Thái Lan.

Thêm vào đó, đây là kỳ SEA Games đầu tiên có điều lệ oái oăm: các đội U22 được bổ sung thêm 2 cầu thủ quá tuổi. Đây là chiến lược của nước chủ nhà nhằm tăng cường sức mạnh cho U22 Philippines.

Khôn ngoan khó lại được với giời

Dù có nhiều lợi thế rõ rệt nhưng trên thực tế, chất lượng cầu thủ Philippines không cao hơn mặt bằng chung Đông Nam Á. Mới đây HLV Scott Cooper đã chốt 2 gương mặt trên 22 tuổi cho SEA Games 30, một trong số đó là tiền vệ lão tướng Stephan Schrock.

Giới mộ điệu Việt Nam không lạ gì Schrock, khi anh từng đụng độ ĐT Việt Nam ở 2 lượt trận bán kết AFF Suzuki Cup 2018. Điểm mạnh của cầu thủ 33 tuổi này là kinh nghiệm, kỹ thuật cơ bản tốt và cả các ngón nghề tiểu xảo, song tất cả chỉ có vậy. Bên cạnh đó, 3 cầu thủ U22 Philippines thường được triệu tập lên ĐTQG là Yrick Gallantes (bố người Scotland), Justin Baas (bố người Hà Lan, mẹ Philippines), và Edison Suerti (bố người Na Uy).

Được tạo nhiều điều kiện tại SEA Games 30, nhưng U22 Philippines lại thể hiện phập phù ở các giải đấu giao hữu gần đây. Họ nhận những kết quả đáng buồn: thua tất cả 8 trận ở những chiến dịch: VCK U22 Đông Nam Á 2019, VL U23 châu Á 2020, Merlion Cup 2019, trong đó có những thất bại đáng quên như thua U22 Singapore 0-3, thua U22 Indonesia 0-5, thua U22 Thái Lan 0-3, thua U22 Lào 2-3, thua U22 Malaysia 0-3.

Với năng lực chinh phục có hạn, có chăng những yếu tố ngoài chuyên môn sẽ giúp U22 Philippines vượt qua vòng bảng, song để lọt top giành huy chương vẫn là thách thức lớn với đội tuyển đảo quốc này!

Lịch thi đấu U22 Phillippines ở SEA Games 22:

25/11/2019, U22 Philippines vs U22 Campuchia

27/11/2019, U22 Philippines vs U22 Myanmar

29/11/2019, U22 Philippines vs U22 Malaysia

04/12/2019, U22 Philippines vs U22 Timor-Leste

Nhận định: Hạng tư chung cuộc